Trang chủ Bản tin Bản tin tổng hợp Cơ sở bảo dưỡng kiểm định xe, lợi cả đôi đường

Cơ sở bảo dưỡng kiểm định xe, lợi cả đôi đường

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng phương án cho phép cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện. Mô hình này sẽ giúp tận dụng trang thiết bị của cơ sở bảo dưỡng, tăng số trung tâm kiểm định, từ đó giúp chủ xe thuận lợi hơn khi đăng kiểm phương tiện.


 

Anh Nguyễn Duy Ban, ở Kim Thành, Hải Dương vẫn chưa quên “cơn ác mộng” đăng kiểm những ngày giáp Tết, khi phải đi hơn trăm cây số, xếp hàng từ 5h sáng, qua 3 trung tâm đăng kiểm mới thực hiện được. Do vậy, anh rất mừng khi được nghe về phương án cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện:

"Nếu mà được như thế thì tốt quá. Các trung tâm chính hãng sẽ chuyên nghiệp hơn. Thuận tiện thì thuận tiện nhưng mà phải có quy chế, có đội ngũ thường xuyên kiểm tra các trung tâm đấy để không xảy ra những tiêu cực", anh Ban cho biết.

3S là cơ sở bảo dưỡng ô tô có không gian trưng bày xe mới, dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng chính hãng. Cơ sở 4S có thêm chức năng thu thập ý kiến phản hồi từ khách hàng.

Dù Cục Đăng kiểm chưa chính thức đề xuất, mới chỉ nghiên cứu mô hình, kinh nghiệm của các nước để báo cáo Bộ GTVT, song phương án này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo chủ phương tiện:

"Các trung tâm 3S, 4S bảo dưỡng thì dịch vụ ổn, chất lượng được, chứng minh được nguồn gốc phụ tùng, không phải đồ lậu thì cũng đảm bảo chất lượng, không phải đến các trung tâm đăng kiểm nữa thì đỡ bị quá tải. Có nhiều trung tâm thì khả năng giá sẽ cạnh tranh nhau".

"Thuận lợi thì dễ dàng cho việc đăng kiểm, còn khó khăn thì về những thiết bị trên xe mình, loại nào chưa hỏng mà họ bắt mình thay, thành ra là mình mất nhiều chi phí hơn".

"Ai đăng kiểm cũng được, trên nguyên tắc là đảm bảo chuẩn mực thôi. Mở rộng đăng kiểm là mình ủng hộ vì tới đây khối lượng xe của mình quá lớn".

Cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S được trang bị đầy đủ các máy móc hiện đại đáp ứng được lượng xe lớn đến kiểm định. Ảnh: Anycar.vn

Dưới góc độ kỹ thuật, kỹ sư Lê Văn Tạch, người có hàng chục năm gắn bó với an toàn xe cơ giới cho rằng: "Những cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng có đủ điều kiện, trang thiết bị thì có khi người ta còn làm tốt hơn cả trung tâm đăng kiểm. Nhưng quản lý thế nào thì lại là vấn đề. Tâm lý khách hàng nghĩ rằng, nếu cơ sở này vừa bảo dưỡng, sửa chữa, vừa cấp phép, người ta cứ liệt kê rất nhiều hạng mục ra thì sẽ tốn chi phí cho chủ phương tiện".

Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình đánh giá, việc cho phép cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô 3S, 4S chính hãng được kiểm định phương tiện là hợp lý trong bối cảnh các đơn vị tư nhân đã được phép tham gia hoạt động đăng kiểm.

"Đơn vị làm đăng kiểm tư nhân như thế nào thì với các trạm bảo dưỡng nếu được đưa vào hệ thống đăng kiểm cũng sẽ được quản lý tương tự. Khi trung tâm bảo dưỡng làm thêm nhiệm vụ đăng kiểm, rất cần phải làm rõ xem là phụ tùng có nhất thiết phải thay chính hãng hay không, và cần có bảng thông báo rõ ràng. Một khi đã xác lập được những quy định, yêu cầu rõ ràng, nghiêm ngặt, cũng như công tác kiểm tra, phòng chống tiêu cực, thì việc sớm đưa các trung tâm bảo dưỡng đạt được yêu cầu tham gia hệ thống đăng kiểm cũng là điều nên làm", TS. Phan Lê Bình cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, cả người dân và doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn khi có thêm nhiều lựa chọn và tiết kiệm thời gian đi lại. Tuy nhiên, để thực hiện thì cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, bởi Nghị định 139/2018 của Chính phủ quy định: “Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới”.

"Kiểm định xe cơ giới là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có quy chuẩn riêng về dây chuyền, thiết bị, con người, phần mềm, diện tích mặt bằng và quy trình hoạt động. Các trạm bảo hành, bảo dưỡng hiện nay thường gắn với một hãng xe nhất định, có thể làm mất đi tính khách quan. Do đó, phải hình thành một đơn vị hoạt động độc lập. Các cơ quan phải nghiên cứu, nếu đối chiếu theo Nghị định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh trên lĩnh vực đăng kiểm thì có điều khoản không cho phép điều này xảy ra", ông Quyền cho biết.

Hiện một số quốc gia đã cho phép cơ sở bảo dưỡng được kiểm định xe. Một số hãng xe lớn cũng có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, được cấp giấy chứng nhận dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, ở Việt Nam, phương án này mới chỉ là ý tưởng, để triển khai thì cần đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả chính sách và thực hiện thí điểm.

"Chúng ta phải làm rõ khả năng kiểm soát của cơ quan Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải và Cục Đăng kiểm. Chất lượng, quy trình, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn,… phải có hệ thống để chúng ta giám sát việc đó, nhất là áp dụng tiến bộ của công nghệ thông tin. Rồi bảo đảm quy trình công khai, minh bạch, để cho những cá nhân, doanh nghiệp muốn làm sai thì người ta cũng không thể can thiệp vào hệ thống được", ông An nói.

Xưởng sửa chữa, bảo dưỡng tại đại lý Kia Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM). Ảnh: Pháp luật TP.HCM

Đề xuất cho phép các cơ sở bảo dưỡng ô tô chính hãng được thực hiện công tác đăng kiểm là một trong những giải pháp mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi và quản lý tốt hơn lĩnh vực đăng kiểm xe ô tô.

Đề xuất cơ sở bảo dưỡng ô tô chính hãng được làm đăng kiểm cũng giống như việc cho phép mở các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tư nhân. Hơn thế, chủ trương này tận dụng được cơ sở vật chất, mặt bằng và đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề cao của các cơ sở. Mặt khác, giúp người dân có thêm sự lựa chọn, tiết kiệm được thời gian khi đi bảo dưỡng, đăng kiểm xe.

Từ chỗ thấy được lợi ích này, để xúc tiến cơ chế mới cho phép trung tâm bảo dưỡng ôtô chính hãng được thực hiện đăng kiểm cần lộ trình cụ thể với những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong công tác đăng kiểm, tránh lặp lại các vấn đề bất cập đã xảy ra với các trung tâm đăng kiểm tư nhân.

Đầu tiên, là việc sửa đổi các nghị định, thông tư liên quan lĩnh vực đăng kiểm. Theo quy định hiện hành tại khoản 2, điều 4, Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới. Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam cần rà soát lại các quy định mang tính pháp lý, từ đó sẽ đề xuất một số nội dung sửa đổi phù hợp.

Thứ hai, là cơ quan chức năng sẽ cần có khảo sát, đánh giá xem khả năng của cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S chính hãng có mong muốn thực hiện công tác đăng kiểm thì khả năng của họ đến đâu? Bên trong dây chuyền của các cơ sở đó có đầy đủ thiết bị tương tự như thiết bị tại trạm đăng kiểm hay không? Với các điều kiện nào thì họ sẽ đủ điều kiện cấp quyền kiểm định phương tiện.

Thực tế hiện, cơ sở bảo dưỡng 3S, 4S chưa có quy định thống nhất từ cơ quan quản lý, thậm chí có những cơ sở sửa chữa tư nhân cũng tự thêm ký tự 3S, 4S vào tên thương hiệu, do đó cần sớm có quy định rõ ràng về vấn đề này trước khi cho phép họ trở thành nơi đăng kiểm phương tiện.

Vấn đề nữa là cần phải tách bạch riêng 2 nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với kiểm định xe cơ giới. Điều này đòi hỏi Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm cần có những quy định rõ ràng về tiêu chuẩn, tiêu chí, kỹ thuật giám định ô tô để các kỹ sư, thợ tại các cơ sở bảo dưỡng phải nắm được và thực hiện đúng quy định.

Đặc biệt, nếu như các kỹ thuật viên, nhân viên của cơ sở bảo dưỡng được cấp chứng chỉ đăng kiểm viên sẽ khó đảm bảo yếu tố liêm chính nếu đăng kiểm viên nhận lương và chịu sự quản lý của hãng xe. Việc này có thể dẫn tới tình trạng đăng kiểm viên bị hãng xe tác động để ra những quyết định có lợi cho việc kinh doanh.

Do đó, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ, có quy định rõ ràng về hình thức xử lý, kỷ luật nếu để xảy ra tình trạng tiêu cực, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lợi dụng để làm những việc không đúng nhiệm vụ kiểm định xe cơ giới một cách khách quan.

Hiện, một số nước đã cho phép cơ sở bảo dưỡng được kiểm định xe. Một số hãng xe lớn cũng có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng, được cấp giấy chứng nhận dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn.

Thậm chí ở Nhật, chủ phương tiện có thể yêu cầu gara hoặc đại lý xe hơi tiến hành kiểm định ô tô thay cho họ. Kinh nghiệm từ các nước đã triển khai mô hình này sẽ giúp nước ta nghiên cứu và áp dụng một cách phù hợp nhất; và đề xuất để các cơ sở bảo dưỡng được phát triển không gian của mình cho 3 nhiệm vụ là sửa chữa, bảo dưỡng và kiểm định phương tiện có thể trở thành hiện thực.


TRƯỜNG DẠY LÁI XE THỐNG NHẤT

- Văn phòng tuyển sinh - Học lý thuyết: 91i Cư xá Lý Thường Kiệt đường Nguyễn Kim P.7, Q.10, TP.HCM

- Văn phòng tuyển sinh 1: 91L Cư xá Lý Thường Kiệt đường Nguyễn Kim P.7, Q.10, TP.HCM
- Văn phòng tuyển sinh 2: 17 Nguyễn Kim P.12, Q.5, TP.HCM - Bãi tập xe 1: 322/19 Nguyễn Thị Nê, Ấp Phú Hiệp, X. Phú Hòa Đông, H. Củ Chi, TP.HCM - Bãi tập xe 2: E4/52 quốc lộ 1A, p.Bình trị đông B, Bình Tân, TP.HCM - Điện thoại: 0918 973 553 - 0909 605 608 • Email: thongnhatcs2@gmail.com

TRƯỜNG DẠY LÁI XE THỐNG NHẤT

Văn phòng tuyển sinh - Học lý thuyết: 66 Nguyễn Kim P.6, Q.10, TP.HCM

Văn phòng tuyển sinh 1
: 91L Cư xá Lý Thường Kiệt đường Nguyễn Kim P.7, Q.10, TP.HCM
Văn phòng tuyển sinh 2: 17 Nguyễn Kim P.12, Q.5, TP.HCM
 

Điện thoại: 0918 973 553 - 0909 605 608

Email: thongnhatcs2@gmail.com